Vai trò của công tác xã hội trường học trong hỗ trợ giảm thiểu vấn đề bạo lực học đường - Phần 1

Phần 1 của bài viết chỉ ra sự cần thiết của nhân viên công tác xã hội trường học cũng như phần đầu tiên của vai trò người làm công tác xã hội trong trường học. Một lựa chọn công việc cho sinh viên ngành Công tác xã hội khi ra trường

1. Sự cần thiết của nhân viên công tác xã hội trường học

Mạng lưới quốc tế về Công tác xã hội trường học đã đưa ra định nghĩa: Nhân viên công tác xã hội trường học là những nhân viên công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp sẽ giúp học sinh gắn bó với trường học và trở thành những học sinh thành công. Mục đích của CTXH trường học là giúp đỡ trẻ em có được những suy nghĩ và ứng xử tích cực cũng như trong việc điều chỉnh hành vi, thái độ của các em trong việc học tập sao cho đem lại kết quả tốt nhất và góp phần hỗ trợ cho nhà trường đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục.

Theo Christopher Carter, nhân viên CTXH trường học là người luôn sẵn sàng để tư vấn cho học sinh và giúp học sinh phát triển tốt về tính cách cá nhân cũng như về chuyện học hành. Họ là những người giúp kết nối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh (trích dẫn từ ehow.com).

Để đối phó với các vấn đề tâm lý, xã hội của học sinh không đơn giản chỉ ngành giáo dục nói chung, nhà trường và giáo viên sẽ không thể nào giải quyết, đáp ứng những nhu cầu tâm lý và xã hội  nếu không có sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các lực lượng chuyên môn khác. Cụ thể là lực lượng nhân viên công tác xã hội, họ là những người phù hợp nhất với kiến thức và chuyên môn mà họ đã được đào tạo, như bảo vệ trẻ em, phát triể cộng đồng, làm việc với gia đình, giải quyết những vấn đề tâm lý, tình cảm...

2. Vai trò của công tác xã hội trong trường học

Các dịch vụ công tác xã hội học đường được đưa vào trường học ở Anh vào năm 1871, sau đó là các trường học tại New York, Boston và Hartfort vào năm 1906 trong nỗ lực hỗ trợ chương trình xoá mù chữ trong các gia đình ở Mỹ. Tiếp đó, công tác xã hội học đường phát triển ở Thuỵ Điển năm 1950, các nước Canađa, Australia vào những năm 1940, các nước châu Âu như Phần Lan, Đức vào những năm 1960, New Zeland, Singapore, Trung Quốc (Đài Loan, Hồng Kông) vào thập kỷ 70, và đến những năm 80 và 90 xuất hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ả Rập Xê út… Qua Đại hội quốc tế công tác xã hội lần thứ nhất tại Chicago năm 1999 và lần thứ hai tại Stockholm năm 2003, vai trò của công tác xã hội học đường đã dần được củng cố và khẳng định, cụ thể là sự tác động vào 4 đối tượng ở trường học sau:

•           Với học sinh: Công tác xã hội học đường giúp các em giải quyết những căng thẳng và khủng hoảng thần kinh; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm lý; giúp học sinh khai thác và phát huy những điểm mạnh và thành công trong học tập, có được năng lực cá nhân và xã hội. Cụ thể là giúp các em giảm những hành vi như: không hoàn thành việc học tập; hung hăng, gây gổ với bạn, không kiểm soát được mình, bị lạm dụng thể chất, không đi học thường xuyên, bị trầm cảm, có những dấu hiệu, hành vi tự tử, căng thẳng thần kinh…

•           Với các bậc phụ huynh: Công tác xã hội học đường hỗ trợ họ tham gia một cách có hiệu quả vào giáo dục con cái; hiểu được những nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ; tiếp cận các nguồn lực của trường học và cộng đồng; hiểu các dịch vụ giáo dục đặc biệt; tăng cường kỹ năng làm cha mẹ.

•           Với thầy cô giáo: Công tác xã hội học đường giúp cho các giáo viên hoạt động giảng dạy có hiệu quả cao. Thực hành tốt hơn nguyên lý giáo dục: sự kết hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Tìm hiểu và huy động những nguồn lực mới vào tiến trình giáo dục, nhất là với các em cần sự giáo dục đặc biệt.

•           Với các cơ quan và cán bộ quản lý giáo dục: Công tác xã hội học đường giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý trong việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng đến tiến trình công tác xã hội đối với trường học.                                      

2.1 Cầu nối giữa nhà trường – gia đình – xã hội

Mỗi bản thân học sinh được sống trong cả ba môi trường gia đình nhà trường, xã hội mỗi môi trường khác nhau tạo cho học sinh cách ứng xử khác nhau, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (THPT) phát triển mạnh về thể chất lẫn tinh thần, tiếp thu, học hỏi nhưng chưa hoàn hảo, dễ thay đổi, bị lôi kéo, ảnh hưởng, xuất hiện xu hướng kế thừa theo cơ chế bắt chước “thần tượng”, bắt chước có thể theo hướng tích cực nhưng cũng có thể theo hướng tiêu cực, có những hành vi lệch chuẩn mà xã hội không thể chấp nhận được, xã hội cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ, cho nên việc giáo dục học sinh cần thiết phải có sự kết hợp giữa ba môi trường gia đình - nhà trường - xã hội.

Một người không thể đảm nhận nhiều vai trò cùng một lúc bởi “sức người có giới hạn”, gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con, nhà trường có nhiệm vụ tạo điều kiện để các em được đến trường, giáo viên có nhiệm vụ cung cấp, truyền đạt kiến thức đến các em, xã hội là môi trường để con người sinh sống. Nếu một con người chỉ chọn một trong ba môi trường trên chắc chắn một điều rằng họ sẽ không thể phát triển toàn diện, cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực trên lại với nhau thì hiệu quả sẽ cao hơn, bởi có câu:“ Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Nhà trường, gia đình có chung chức năng, nhiệm vụ là giáo dục trẻ em, phải thường xuyên liên lạc trao đổi với nhau về những vấn đề liên quan đến học sinh, con em mình để có thể kịp thời đưa ra những quyết định tốt nhất cho việc giáo dục. Ví dụ như ở trường học sinh có xảy ra mâu thuẫn với bạn bè, có biểu hiện khác thường về tâm lí, nhà trường cần báo cho gia đình, tìm hiểu nguyên nhân kịp thời khắc phục, với gia đình khi nhận thấy các em có biểu hiện học kém, có thể tìm hiểu trao đổi với nhà trường, xã hội thì lại có rất nhiều những dịch vụ, chính sách dành cho họ sinh nghèo, khó khăn, nhà trường cần phải biết để có thể tạo điều kiện cho các em có đủ điều kiện đến trường.

Đóng vai trò là nhân viên công tác xã hội học đường, tư vấn viên phải là người trung gian liên kết giữa gia đình – nhà trường – xã hội lại với nhau, tạo thành một khối thống nhất cùng nhau giáo dục học sinh – con em mình trở thành con ngoan trò giỏi.

Nhân viên xã hội chính là người cùng với các thầy cô, cán bộ nhà trường nhận diện đúng vấn đề, đưa ra hướng giải quyết các vấn đề hợp lí, chẳng hạn như: nhân viên xã hội nhận thấy học sinh có vấn đề gì khác thường: học yếu, tâm lí bất ổn, mâu thuẫn, đánh nhau với bạn bè, hoàn cảnh khó khăn…qua tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự việc như thế người nhân viên sẽ làm công tác phân tích, giải thích để nhà trường nắm được tình hình, diễn tiến sự việc và cùng thảo luận đưa ra hướng giải quyết thích hợp nhất.

2.2 Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường

Công viêc của nhân viên CTXH học đường lúc này là thu thập thông tin từng trường hợp học sinh cụ thể về điều kiện kinh tế gia đình, nhận thức của bản thân và gia đình về tầm quan trọng của việc học, học lực của họ sinh…Tìm hiểu rõ vấn đề khiến học sinh phải nghỉ học là do yếu tố nào tác động.

Tác động đến bạn bè cùng lớp, thầy cô giảng dạy và các lực lượng liên quan đến bản thân học sinh. Để mỗi đối tượng là một lực lượng sẵn sàng hỗ trợ khi cá nhân học sinh có nguy cơ bỏ học.

Tác động đến các bậc làm cha mẹ để cha mẹ thấy được việc học của con em họ là yếu tố cần thiết cho cuộc sống chính bản thân con em họ sau này. Cho họ nhìn thấy được hệ quả nếu con em họ được tiếp tục đến trường và không được đến trường thì sẽ như thế nào? Giúp họ dần dần trở thành lực lượng hỗ trợ về mặt tinh thần quan trọng nhất đối với con em họ. Đồng thời cũng đưa ra những biện pháp giúp các phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đến được với các nguồn quỹ tính dụng, các chương trình hỗ trợ vốn làm kinh tế của quốc gia, để mỗi phụ huynh học sinh có được cơ hội thoát nghèo, quan tâm đến việc học con cái mình hơn.

Trực tiếp tác động đến chính bản thân học sinh khơi dậy tinh thần học tập của các em, khuyến khích các em có ý chí vượt khó tiếp tục đến trường, nêu gương những học sinh vượt khó học giỏi và thành công trên con đường học tập, giúp các em thấy được giá trị của bản thân. Cùng các em lên kế hoạch cụ thể cho quá trình học tập cố gắng duy trì đến trường là mục tiêu cho mỗi bản thân. Là cầu nối giữa học sinh và các dịch vụ xã hội như giới thiệu các em đến quỹ khuyến học của địa phương, các nhà mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để hoàn cảnh các em phần nào được nhẹ nhàng hơn.

2.3 Giáo dục hướng nghiệp

            Đối với học sinh THPT thì việc định hướng nghề nghiệp là khá quan trọng, bởi ở giai đoạn học sinh phổ thông cần nhất là một tâm thế sẵn sàng cho tương lai, chọn nghề nào cho phù hợp với năng lực, năng khiếu và ra trường có thể tìm được việc làm tốt. Mục đích của việc giáo dục là cung cấp cho học sinh những kiến thức, kinh nghiệm, kỷ năng để có thể ứng dụng tốt trong cuộc sống.

Công việc của nhân viên CTXH lúc này là người giảng dạy trực tiếp về giáo dục hướng nghiệp của trường. Là người sẵn sàng giải đáp những câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp cho học sinh.

Thường xuyên thu thập các thông tin mới về các ngành như nhu cầu thị trường, hướng phát triển trong những năm tới, chi phí đào tạo…Để có thể cung cấp cho học sinh thông tin chính xác về ngành nghề giúp các em có hướng lựa chọn nghề phù hợp.

Kết hợp các ban liên lạc sinh viên của huyện trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi trao đổi giải đáp những thắc mắc về ngành nghề của mỗi thời điểm, định kì hàng tháng ngay từ những năm đầu học phổ thông cho học sinh. Đồng thời cũng sưu tập sách báo liên quan đến các trường Đại học làm nguồn thông tin tham khảo cho học sinh.

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức hướng nghiệp tại trường theo quý, nhằm cũng cố kiến thức cho học sinh và tạo sự hưng phấn tìm hiểu về thông tin hướng nghiệp của học sinh.

2.4 Tư vấn, tham vấn tâm lý

            Đối với học sinh bậc THPT, tình bạn khác giới, tình yêu, thái độ sống, định hướng nghề nghiệp, học tập, gia đình, sức khỏe, quan hệ bạn bè…là những vấn đề thường xảy ra nhất đối với học sinh, cần được tư vấn, cũng là kỷ năng sống cần trang bị để các em bước vào đời, tự lập.

            Giai đoạn học sinh THPT là giai đoạn mà các em có nhiều thay đổi về cơ thể, tâm lí…dễ bị kích động lôi kéo, có nhu cầu giao tiếp rất lớn, đặc biệt là giao tiếp với bạn bè, hình thành nhiều nhóm bạn cùng sở thích, sự phát triển này có thể là tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực. Cần nhất là có một định hướng đúng để các em đi theo chiều hướng tích cực.

Người nhân viên xã hội phải là người nhanh nhẹn, tinh ý, dễ dàng phát hiện ra những vấn đề liên quan đến tâm lí của học sinh, phát hiện và có cách giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội trong nhà trường. Không phải đợi học sinh tìm đến nhờ giúp đỡ mà với khả năng và chuyên môn của mình, nhân viên công tác xã hội trường học cần nắm bắt những vấn đề của học sinh.

2.5 Giáo dục giới tính – chăm sóc sức khỏe

Nhân viên xã hội thúc đẩy trong việc xây dựng và làm việc tại phòng tư vấn tâm tý học đường, là nơi dễ dàng trao đổi khi cần của học sinh.

Thành lập câu lạc bộ “cùng chia sẽ” trong khuôn viên trường, và đại diện mỗi lớp có ít nhất một thành viên tham gia vào câu lạc bộ. Mục đích của câu lạc bộ là cung cấp những kiến thức cơ bản về giới và giới tính, những biến đổi bất thường của tuổi mới lớn, là nơi các em có thể hoàn toàn tin cậy khi cho và nhận thông tin.

Xây dựng “góc thư viện” cho vấn đề về giới tính. Giáo dục cho mỗi học sinh có được giá trị thẩm mĩ về giới tính bản thân.

 Tổ chức các buổi trao đổi về giới và giới tính định kì hằng tháng và khuyến khích các em tham gia. Cung cấp cho học sinh các nguồn thông tin lành mạnh để các em có thể tham khảo và bày tỏ. Đồng thời mỗi trường phải có trang web riêng về vấn đề giới tính để các em có thể gửi thư trao đổi, hỏi ý kiến các thầy cô phụ trách.

Xây dựng cho mỗi học sinh thói quen học theo thời khóa biểu tự sắp ở nhà, hướng dẫn các em tự lên kế hoạch học tập cho mỗi kì thi không để xảy ra tình trạng học nhồi, vì thế các em dễ lâm vào tâm trạng stress. Cần khuyến khích các em có chế độ ăn hợp lý trong mỗi khì thi.

about-star
about-star