Review ngành Công tác xã hội – Ngành học của sự gắn kết yêu thương

Ngành Công tác xã hội là một ngành không mấy quen thuộc với các bạn trẻ. Nhìn chung, lĩnh vực này mới phát triển và còn đang rất thiếu nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Hôm nay chúng mình sẽ cùng “mổ xẻ” thật kỹ về ngành Công tác xã hội để bạn hiểu hơn về nó nhé!

1. Ngành Công tác xã hội là gì?

Công tác xã hội có tên Tiếng Anh là Social Work, là ngành học cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên môn để giúp đỡ các nhóm, cá nhân, công đồng tăng cường và phục hồi những chức năng xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Khi theo học Công tác xã hội, sinh viên sẽ có đạo đức và kỹ năng làm việc trong các vấn đề liên quan đến đời sống của con người, giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ giữa con người, thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết được những vấn đề mới phát sinh trong đời sống xã hội thường ngày. Sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt là kỹ năng can thiệp và giải quyết vấn đề xã hội, tham gia xây dựng những chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia.

Chuyên viên Công tác xã hội mang trong mình sứ mệnh giúp đỡ, chăm sóc, hỗ trợ những người kém may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, giúp họ từng bước hòa nhập với cộng đồng. Những người này có thể là người nghèo, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, tự bảo vệ bản thân,…hoặc có thể là những nạn nhân của biến cố xã hội, chính trị hoặc thiên tai,… Vì thế hoạt động công tác xã hội xuất hiện trên khắp thế giới, ở bất cứ đâu cũng cần có người giúp đỡ.

Chuyên viên công tác xã hội được ví như những thiên thần có sứ mệnh hàn gắn những rạn nứt của xã hội, hướng đến một thế giới công bằng, nhân văn và nhân ái hơn.

2. Học ngành Công tác xã hội làm công việc gì?

Cơ hội nghề nghiệp của ngành Công tác xã hội rất lớn

Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên ngành Công tác xã hội có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau:

        Làm việc ở những doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài

Bạn sẽ đóng vai trò là người tham mưu, hỗ trợ cho các tổ chức, chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho những cán bộ công nhân viên của họ. Nhân viên Công tác xã hội sẽ gắn kết giữa doanh nghiệp với công nhân, giữa doanh nghiệp với xã hội, từ đó cải thiện các mối quan hệ tiêu cực có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

        Công tác tại các trường học

Tại đây bạn sẽ là người giúp đỡ nhà trường trong việc xây dựng, quản lý các chính sách, hạn chế các thói quen xấu và phát huy các thế mạnh của nhà trường. Kết nối giữa các tổ chức xã hội khác và nhà trường, giúp đỡ học sinh và giáo viên vượt qua khó khăn đang gặp trong quá trình học và dạy, chăm sóc đời sống tinh thần cho những học sinh và cán bộ công nhân viên của nhà trường.

        Làm việc tại các sở ban ngành ở thành thị và nông thôn

Bạn cũng có thể đảm nhận công tác xóa đói giảm nghèo, kết nối các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế với cộng đồng để giải quyết những vấn đề liên quan đến Kinh tế – Xã hội như: đẩy lùi tệ nạn; xóa đói giảm nghèo; trẻ mồ côi, người sống neo đơn; ô nhiễm môi trường; vệ sinh môi trường; sức khỏe sinh sản,…nhằm hướng đến một cộng đồng phát triển bền vững.

        Tham gia công tác xã hội ở các bệnh viện

Nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện là người hỗ trợ các y bác sĩ trong việc tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ chăm sóc người bệnh,…để giảm bớt khó khăn trong quá trình sử dụng và tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh.

        Công tác trong các tổ chức phi chính phủ

Một hướng đi khác được rất nhiều cử nhân ngành Công tác xã hội lựa chọn đó là làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, các dự án, trung tâm phát triển xã hội.

        Tham gia nghiên cứu tại các viện và giảng dạy ở các cơ sở giáo dục

Bạn cũng có thể giam gia vào việc giảng dạy các môn chuyên ngành liên quan đến công tác xã hội. Hoặc tham gia nghiên cứu chuyên sâu tại những viện nghiên cứu về công tác xã hội.

3. Mức lương của ngành Công tác xã hội có cao không?

Chuyên viên thuộc ngành Công tác xã hội có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và tiến bộ của đời sống xã hội. Những người công tác trong ngành cũng có mức thu nhập tương đối ổn định, dao động từ 7 đến 10 triệu đồng. Nếu như bạn làm việc ở nước ngoài thì thu nhập có thể lên đến hơn 50.000 USD/ năm.

4. Tố chất nào hợp với ngành Công tác xã hội?

Là một ngành đóng vai trò gắn kết yêu thương giữa cộng đồng, chuyên viên của ngành Công tác xã hội cũng cần có những tố chất đặc thù:

–        Có sự độ lượng và lòng bao dung

–        Trung thực và thật thà

–        Yêu thương đồng loại, có thể đồng cảm đối với những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn

–        Sẵn sàng đi xa, thường xuyên đi công tác

–        Sở hữu một sức khỏe tốt

–        Có kỹ năng lắng nghe và giao tiếp thành thạo

–        Tiếng Anh tốt

about-star
about-star