Phải chăng Công tác xã hội thì ra trường làm từ thiện?

Công tác xã hội là ngành học có nhu cầu nhân lực cao và có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định chứ không chỉ đơn giản là “học làm từ thiện”.

Công tác xã hội không phải ngành học mới ở nước ta nhưng có khá nhiều bạn học sinh vẫn thắc mắc: Công tác xã hội ra trường làm gì? Có phải làm Công tác xã hội là làm từ thiện? Mức thu nhập ra sao? Trước hết xin khẳng định Công tác xã hội có rất nhiều cơ hội việc làm khác nhau khi ra trường và hoàn toàn không phải ngành học để làm thiện nguyện không lương. Cụ thể hơn thì mời bạn tìm hiểu trong nội dung dưới đây. 

Tầm quan trọng của ngành Công tác xã hội

Trong suốt thời gian dài, ngành Công tác xã hội gần như bị bỏ quên trong các chương trình hướng nghiệp. Dù đây là ngành học có lịch sử lâu đời ở các nước phát triển nhưng nhiều bạn học sinh vẫn chưa thực sự hiểu rõ khi chọn nguyện vọng. May mắn, trong vài năm gần đây, nhờ triển khai “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020” theo Quyết định Số 32/2010/QĐ-TTg thì ngành học này mới bắt đầu được chú ý.

Công tác xã hội là ngành nghề rất quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, đặc biệt là các nhóm yếu thế, thiểu số. Hiểu một cách đơn giản, người làm Công tác xã hội sẽ giúp cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng nâng cao hoặc khôi phục tiềm năng của họ. Giúp thân chủ thực hiện chức năng xã hội, tự chủ bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Tại Việt Nam, trong lĩnh vực y tế, Công tác xã hội trong bệnh viện đã được Bộ Y tế đặt nhiệm vụ trọng tâm phát triển từ lâu. Còn trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký Quyết định số 327/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Kế hoạch ‘‘Phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2017-2020”. Đây là các đề án đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Công tác xã hội ở nước ta. Có thể nói, những chính sách này tạo điều kiện cho ngành học phát triển nhanh chóng và mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho các bạn cử nhân ngành.

Nhu cầu thị trường đối với cử nhân Công tác xã hội

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp để làm Công tác xã hội đang tăng mạnh. Đặc biệt là sau biến động đại dịch Covid-19 càng có nhiều “đất” cho nhân viên Công tác xã hội phát triển mạnh mẽ. 

Các dịch vụ xã hội ngày càng cấp thiết gồm: trợ giúp người khuyết tật, người già, trẻ em mồ côi và lang thang cơ nhỡ, các nhóm yếu thế, thiểu số như cộng đồng LGBTQ+; thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực mạng, bạo lực gia đình; giúp đỡ người lao động di cư, người nghiện… Có thể thấy, có rất nhiều vấn đề xã hội bức thiết đang cần được giải quyết nên các cử nhân Công tác xã hội hầu như chẳng bao giờ lo lắng thất nghiệp.

 

Học Công tác xã hội ra làm gì?

Vậy thì bạn có thể làm gì sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội? Nếu không muốn tiếp tục học lên bậc cao, du học hay tiếp tục nghiên cứu thì có rất nhiều công việc khác nhau dành cho bạn:

  • Phát triển và xây dựng cộng đồng: Bạn có thể làm cán bộ dự án phát triển cộng đồng, trợ lý hoặc truyền thông cho các dự án.
  • Nhân viên Công tác xã hội: Bạn sẽ công tác tại các cơ sở hoạt động liên quan tới việc trợ giúp những nhóm yếu thế trong xã hội. Theo đó, bạn là người tham gia vận động, hoạch định chính sách liên quan tới giáo dục cá nhân, thay đổi hành vi cộng đồng…
  • Quản trị Công tác xã hội: Với các kỹ năng được đào tạo ở trường, bạn hoàn toàn có thể đảm nhận vị trí quản lý mạng lưới Công tác xã hội. Bạn là người tham mưu xây dựng chính sách, giám sát quá trình thực thi cũng như đưa ra các khuyến nghị chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế.
  • Cán bộ trong nhiều lĩnh vực xã hội: Cán bộ nghiên cứu, phát triển dự án phát triển cộng đồng tại các viện, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Công tác xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
  • Đào tạo: Sinh viên có thể tham gia tìm hiểu nhu cầu cộng đồng sau đó lên nội dung chương trình, kiến thức và tổ chức hoặc hỗ trợ đào tạo cộng đồng. Bạn cũng có thể làm giảng viên giảng dạy Công tác xã hội trong các cơ sở đào tạo.
  • Tư vấn, tham vấn: Bằng kiến thức tâm lý được học, bạn có thể tham gia làm người tư vấn hoặc tham vấn cho công ty, trung tâm dịch vụ khai vấn, phòng tâm lý ở trường học…

 

Nhìn chung mức lương cho sinh viên Công tác xã hội khi mới tốt nghiệp dao động từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, tùy vào vị trí công việc cụ thể. Đặc biệt, nếu bạn có tiếng Anh tốt thì công việc tại các tổ chức có yếu tố nước ngoài sẽ mang lại thu nhập lẫn cơ hội phát triển nghề cực kỳ tốt. Ngoài ra, ngôn ngữ thứ hai, thứ ba tốt cũng là yếu tố then chốt nếu bạn muốn du học hoặc tiếp tục nghiên cứu ở nước ngoài.

Hẳn bạn cũng đã thấy, ngành Công tác xã hội mở ra rất nhiều triển vọng nghề nghiệp khác nhau. Mỗi hướng phát triển đều có những lợi thế và thách thức riêng. Bạn chỉ cần chọn hướng đi mình thích thú, đam mê nhất thì thành công sẽ gõ cửa.

about-star
about-star