Ngành quản lý nhà nước là gì, cơ hội công việc ra sao?

Ngành quản lý nhà nước có thể là một lĩnh vực tương đối trừu tượng và phức tạp với nhiều người, tuy nhiên đây là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều bạn trẻ quan tâm nhưng vẫn do dự trước khi quyết định theo học ngành do chưa hiểu rõ ngành quản lý nhà nước là gì, học trường nào. Bên cạnh đó, ngành có dễ xin việc không, học ngành ra làm gì và mức lương ngành quản lý nhà nước là những mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Quản lý nhà nước là ngành gì?

Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực của nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp thông qua các hoạt động quản lý được thực hiện dựa trên pháp luật. Ngành định hình, xác lập trật tự và thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo tuân thủ các quy tắc công bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội.

Ngành quản lý nhà nước học gì?

Quản lý nhà nước là ngành học đào tạo toàn bộ thủ tục hành chính nhà nước, tập trung vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quy trình chấp hành, điều hành và quản lý hành chính của bộ máy Nhà nước trong các hoạt động chính trị và xã hội. 

Sinh viên theo học ngành quản lý nhà nước sẽ được trang bị các kiến thức về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; các lĩnh vực của đời sống xã hội và các kiến thức về quản lý nhân sự. 

Trong đó: 

*Kiến thức cơ bản: Lý luận chính trị, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, nghiên cứu khoa học,… 

*Kiến thức đại cương: 

  • Khoa học quản lý: quản lý học đại cương, quản lý hành chính nhà nước và đạo đức công vụ.
  • Khoa học pháp lý: luật hiến pháp và luật hành chính
  • Khoa học tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và nhân sự hành chính nhà nước.
  • Kiến thức cơ sở của một số nghiệp vụ hành chính như thủ tục hành chính, soạn thảo văn bản hành chính, văn hóa công sở,…. 

*Kiến thức chuyên ngành: 

  • Quản lý nguồn nhân sự trong khu vực công
  • Quản trị địa phương
  • Thiết kế và phân tích tổ chức bộ máy nhà nước
  • Hoạch định và phân tích chính sách công
  • Thủ tục hành chính
  • Quản lý về kinh tế và tài chính
  • Quản lý xã hội: văn hóa, giáo dục, y tế; dân tộc, tôn giáo; dân số, lao động và tiền lương; khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường; đô thị và nông thôn; tổ chức phi chính phủ.
  • Quản lý nhà nước về công tác thanh niên

*Kiến thức nghiệp vụ: Tin học văn phòng, tiếng anh chuyên ngành và nghiệp vụ hành chính như tổ chức và điều hành công sở, kiểm soát trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước; đánh giá nguồn nhân lực.

Ngành quản lý nhà nước ra làm gì?

Sau khi nhận tốt nghiệp, các bạn có thể đảm nhận các công việc về quản lý hành chính nhà nước như sau:

  • Quản lý và chuyên viên hành chính làm việc tại các cơ quan thuộc khu vực công hoặc khu vực tư.
  • Công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan như ban, ngành, sở, phòng, trung tâm,… chuyên môn quản lý nhà nước; các cơ quan, đơn vị hành chính hoặc sự nghiệp các cấp.
  • Công chức, viên chức làm việc trong hệ thống chính trị như cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang,…
  • Cán bộ hành chính văn phòng; chuyên viên văn phòng hoặc cán bộ văn thư – lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. 
  • Thư ký tổng hợp hoặc trợ lý làm việc tại Bộ phận tham mưu, các cấp lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, tổ chức.
  • Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy ngành tại các trường đào tạo hoặc viện nghiên cứu ngành.

Mức lương có cao không?

Mức lương không chỉ phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn mà còn là vị trí công công tác trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức tư nhân. Thông thường, mức lương ngành được xác định dựa theo quy định pháp luật hiện hành và chính sách lương của đơn vị làm việc.

Dưới đây là mức lương một số vị trí ngành mà bạn có thể tham khảo:

  • Công chức, viên chức Nhà nước: 12 triệu đồng/tháng.
  • Nhân viên quản lý hành chính: 15 triệu đồng/tháng.
  • Trợ lý lãnh đạo hoặc bộ phận tham mưu các cấp: 12 triệu đồng/tháng.
  • Cố vấn hành chính: 20 triệu đồng/tháng.
  • Cán bộ hành chính văn phòng: 12 triệu đồng/tháng.

Tố chất quan trọng khi theo đuổi ngành

Khi quyết định theo đuổi ngành quản lý nhà nước, những tố chất quan trọng dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong công việc:

  • Tinh thần phục vụ xã hội và phụng sự tổ quốc. Luôn nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
  • Kiên trì, nhẫn nại và tỉ mỉ trong công việc.
  • Có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao.
  • Khả năng chịu áp lực cao.
  • Tư duy linh hoạt, nhạy bén và sáng tạo.
  • Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả.
  • Kỹ năng phân tích, tổng hợp và trình bày thông tin độc lập.
  • Khả năng làm việc độc lập.
  • Khả năng giao tiếp, thuyết phục, đàm phán,…

Bên cạnh đó sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng và trình độ ngoại ngữ cao, có thể đọc, hiểu các tài liệu chuyên ngành quản lý nhà nước trong và ngoài nước là một điểm cộng khi theo đuổi ngành học này. Nếu yêu thích ngành quản lý nhà nước, bạn nên đầu tư kiến thức vào các môn khoa học xã hội và nâng cao vốn hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. 

about-star
about-star