Những điều cần biết về ngành Quan hệ công chúng

Quan hệ công chúng trên thế giới từ lâu đã không còn là một ngành nghề xa lạ. Xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu nhưng đây là một ngành nghề hấp dẫn với đặc tính năng động và sáng tạo. Chính vì vậy, Quan hệ công chúng đã trở thành ngành học thu hút đông đảo thí sinh đăng ký theo học. Học ngành Quan hệ công chúng ra trường làm gì? Tất cả sẽ được thể hiện trong bài viết sau đây. 

1. Ngành Quan hệ công chúng là gì?
   Ngành quan hệ công chúng là ngành chuyên đào tạo sinh viên về những kế hoạch tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ hai chiều giữa tổ chức, công ty với công chúng, nhằm mục đích hướng tới việc tạo nên sự hiểu biết và ủng hộ của công chúng đối với tổ chức, công ty, doanh nghiệp đó. 
   Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thời đại hội nhập, ngành Quan hệ công chúng được xem là nghề “giữ hồn” cho thương hiệu, giúp tên tuổi của thương hiệu đó được “sống” và được nhiều người yêu thích.
 
2. Những tố chất cho thấy bạn phù hợp với ngành Quan hệ công chúng 
   Đối với ngành Quan hệ công chúng đòi hỏi bạn cần có những tố chất, kỹ năng sau:
   Khả năng phân tích, tổng hợp: là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nhằm phân tích những xu hướng phát triển của xã hội để đưa ra chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp, vậy nên ngay từ khi còn là sinh viên, bạn phải luôn cập nhật thông tin xã hội, phân tích, tổng hợp và thường phải tự quyết định mình sẽ làm gì.
   Có kỹ năng làm việc nhóm: Kỹ năng làm việc nhóm là kỹ năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm. Quan hệ công chúng không diễn ra tách biệt. Người làm cần có khả năng làm việc với cộng sự của mình, Nếu bạn đang trong trường học, đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội làm việc nhóm nào.
   Khả năng lên kế hoạch: Bạn là người nghĩ xa? Bạn sẽ phù hợp với Quan hệ công chúng. Không chỉ cần lên kế hoạch trong ngày, bạn cần lên kế hoạch cho tháng tới, thậm chí là 6 tháng tới kể từ ngày hôm nay. Kế hoạch của bạn có thể thay đổi, nhưng trước hết, bạn cần có nó.
   Kỹ năng viết lách: Nghề Quan hệ công chúng có mối liên hệ mật thiết với báo chí, thông cáo, các bản báo cáo, thậm chí là phải lên kịch bản quảng cáo, kế hoạch truyền thông… Vậy nên việc có khả năng viết lách sẽ rất hữu dụng với bạn.
   Luôn muốn đổi mới bản thân: Bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết trước được những gì sẽ xảy đến với mình trong hôm nay. Các khách hàng của bạn sẽ không ra những đơn hàng giống nhau, và bạn cũng không thể tư vấn cho khách hàng một cách làm giống nhau cho mọi trường hợp. Vậy nên bạn phải là người nắm được hành vi, sở thích của khách hàng.
 
3. Học Quan hệ công chúng ra trường làm gì?
 
 
   Để trả lời cho câu hỏi học ngành Quan hệ công chúng ra trường làm gì thì bạn cần phải xác định mục tiêu và định hướng của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Quan hệ công chúng có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau:
   Chuyên viên PR: đảm nhận các vị trí công việc như phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ… tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức kinh tế, quốc tế và tổ chức xã hội, phi chính phủ….
Phóng viên, biên tập viên làm việc tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông…
   Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng: làm các công việc như trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu. Các bạn sẽ làm việc tại các công ty, tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các Bộ và Sở, Ban, Ngành liên quan đến truyền thông.
   Nghiên cứu, giảng dạy môn Quan hệ công chúng và Truyền thông trong các cơ sở giáo dục đại học, tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng; trợ lý giảng dạy và tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp; nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về truyền thông và quan hệ công chúng.

 

   Đến đây chắc bạn đã lý giải được độ “hot” và triển vọng của ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông rồi phải không? Giờ thì các bạn chỉ việc cố gắng “dùi mài kinh sử” để đạt được điểm số cao nhất, vào được ngôi trường mình mong muốn mà không cần phải băn khoăn về việc học ngành Quan hệ công chúng ra trường làm gì, có dễ xin việc làm hay không?
about-star