'Miền đất hứa' - hồi ký ăn khách của Barack Obama

Hồi ký "A promised land" (Miền đất hứa) tái hiện năm tháng Barack Obama theo đuổi nghiệp chính trị, đan xen thời niên thiếu và chuyện tình với bà Michelle.

Ấn phẩm ra mắt bản tiếng Việt vào ngày 8/1, Đỗ Hùng dịch, do công ty First News đấu giá mua bản quyền phát hành từ nhà xuất bản Penguin Random House (New York, Mỹ) và Tiki phân phối độc quyền trong sáu tháng. Hồi ký gồm bảy chương, dày 768 trang, là tập đầu trong bộ sách dự kiến hai tập của Barack Obama. Nội dung xoay quanh sự nghiệp chính trị của ông, từ lần đầu chạy đua vào chiếc ghế thượng nghị sĩ bang Illinois, chiến thắng then chốt tại hội nghị cử tri Iowa đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Kết thúc là phần nói về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden hồi 2011.

Trên Twitter sáng 18/9/2020, Obama cho biết: "Trong Miền đất hứa, tôi cố gắng mang lại cách giải thích chân thực về nhiệm kỳ tổng thống của mình, những thế lực mà nước Mỹ từng phải ứng phó, cách chúng tôi hàn gắn chia rẽ và phát huy nền dân chủ với mọi người"

Bìa sách "A promised land - Miền đất hứa" bản tiếng Việt, Đỗ Hùng dịch. Ảnh: First News

 

Mở đầu hồi ký, tác giả đưa người đọc đến với Hiên Tây - lối đi bộ ông yêu thích nhất trong 8 năm làm việc ở Nhà Trắng (2009-2017). Không gian mở này nối từ nhà tổng thống tới văn phòng, chỉ mất một phút di chuyển. Từ đây, ông cảm nhận được cơn gió lạnh đầu tiên của mùa đông táp vào mặt hoặc hơi nóng hè phả tới. "Là nơi tôi tập hợp những suy nghĩ, rà soát lịch họp, chuẩn bị lý lẽ để tranh biện với những vị dân biểu đa nghi hay cử tri lo lắng, chuẩn bị cho quyết định này hoặc cuộc khủng hoảng đang từ từ tiến tới kia", Obama thuật lại.

Mỗi tối rảo bước từ Hiên Tây về nơi ở, ông thường đi chậm rãi hoặc dừng lại, đôi khi chỉ để hít hà mùi hương của đất, cỏ, phấn hoa, lắng nghe tiếng gió hoặc mưa lộp độp. Có lúc hướng mắt về lá cờ trên nóc Nhà Trắng, tượng đài Washington nhô lên bầu trời đêm phía xa hoặc ánh đèn nhấp nháy của một máy bay phản lực lướt qua..., ông lại ngạc nhiên về lộ trình kỳ lạ cùng ý tưởng đưa mình tới chốn này.

Cựu Tổng thống Mỹ không sinh trưởng trong gia tộc có truyền thống chính trị, thậm chí không biết rõ cha mình và từng sống ở Indonesia khi mẹ ông - bà Ann Dunham - đi bước nữa với người đàn ông bản xứ. Không ai trong gia đình nghĩ cậu bé Obama rồi sẽ đứng đầu nước Mỹ. Mẹ ông từng hình dung con trai làm quản lý một quỹ từ thiện, trong khi ông bà ngoại mong Obama thành thẩm phán hay luật sư.

Thuở mới lớn, Obama không mang phong thái của nhà lãnh đạo tương lai, mà chỉ là "học sinh lờ phờ", mê bóng rổ nhưng tài năng có hạn và ưa tiệc tùng, đàn đúm. Ông cùng ba người bạn thân chỉ bàn luận về thể thao, bạn gái, âm nhạc và các kế hoạch nhậu nhẹt.

Hai năm học tại đại học Occidental (California, Mỹ), Obama đọc nhiều sách, tò mò về tri thức, nhưng không phải vì sự nghiệp mà là chiến lược chinh phục các cô gái. "Cái mớ tri thức dỏm của tôi hầu như vô dụng, rốt cuộc tôi kiếm được chuỗi tình bạn trìu mến nhưng chẳng đi đến đâu", ông thuật lại. Tuy nhiên những nỗ lực ấy có phần hữu ích, đánh dấu điểm khởi đầu cho sự thức tỉnh chính trị của ông.

Cựu Tổng thống Barack Obama thuở trẻ. Ảnh: Obama campaign

 

Sau tốt nghiệp Đại học Columbia ở New York năm 1983, Obama trở thành chuyên viên tổ chức cộng đồng trong ba năm, giữ cương vị giám đốc Đề án Phát triển Cộng đồng. Harold Washington - thị trường da màu đầu tiên của Chicago từ năm 1983 đến 1987 - là người truyền cảm hứng cho Obama, khiến ông lần đầu nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ tranh cử vào chính quyền. Cuối năm 1988, ông nhập học Trường Luật Harvard, được bầu làm chủ nhiệm da màu đầu tiên tại Chuyên san Luật của trường.

Trên Twitter, Facebook, nhiều độc giả nói bị thu hút bởi những dòng cựu Tổng thống viết về vợ - Michelle Lavaughn Robinson - người khiến ông choáng ngay từ phút đầu gặp gỡ vì xinh đẹp, cởi mở, hào phóng và thông minh. "Anh chàng lạ lẫm từ Hawaii với bộ quần áo lôi thôi, lếch thếch và những giấc mơ điên rồ, lững thững bước vào cuộc đời Michelle". Trong mắt bà, đấy là một phần trong sức hấp dẫn của Obama, khác với những chàng trai lớn lên cùng bà hay từng hẹn hò...

Barack Obama dành phần lớn trang thuật lại những chiến dịch tranh cử, khoảnh khắc trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ... Độc giả tiếp cận được suy nghĩ của ông khi xây dựng nội các, vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nắm bắt tâm lý và con người Vladimir Putin - cựu Tổng thống hai nhiệm kỳ, hiện là thủ tướng Nga... Ông còn liệt kê lần đụng độ với giới tướng lĩnh về chiến lược của Mỹ ở Afghanistan, giải quyết vấn đề nan giải về cải cách Phố Wall, xử lý vụ cháy nổ Deepwater Horizon và lệnh triển khai Chiến dịch Cây thương Hải thần dẫn đến cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Cựu Tổng thống đề cập những thế lực chống đối ông ở trong và ngoài nước, cởi mở về những tác động lớn từ Nhà Trắng đến cuộc sống vợ con, cùng với đó là nỗi thất vọng cũng như tâm lý tự nghi ngờ bản thân. Hồi ký cũng khắc họa niềm tin của Barack Obama: nền dân chủ không phải là món quà cao xa, mà hình thành từ mối đồng cảm, thấu hiểu chung và cùng xây đắp từng ngày.

Chuyện tình của Barack Obama và bà Michelle Obama được tái hiện trong hồi ký. Ảnh: AP

 

Xen kẽ những dòng hồi tưởng là 32 trang ảnh gắn với tuổi thơ, gia đình và những sự kiện quan trọng trong đời tác giả. Trên Twitter, nhiều khán giả khen ông bà ngoại cựu Tổng thống Mỹ diện mạo nổi bật và hứng thú với tình tiết họ lén kết hôn trước thềm sự kiện ném bom Trân Châu Cảng.

Obama cho biết ông bà Dunham từng bôn ba nhiều bang, từ Oklahoma, Texas đến Washington, trước khi định cư Hawaii - nơi tách biệt với các cuộc biểu tình, bạo loạn... Ông ngoại từng phục vụ trong đội quân của Patton, về sau bán bảo hiểm nhân thọ. Còn bà ngoại làm trong dây chuyền lắp ráp bom rồi giữ chức phó chủ tịch phụ trách ủy thác chuyển nhượng tại một ngân hàng địa phương.

Tác giả còn tiết lộ gương mặt người cha gốc Kenya chỉ gặp một lần năm lên 10 tuổi. Khoảnh khắc bà Ann Dunham cười rạng rỡ ôm cậu nhóc Obama trong lòng hay những lần cùng mẹ nằm dài trên bãi biển trở thành ký ức đẹp nhất của ông. Ở ảnh cưới năm 1992, Cựu Tổng thống chú thích: "Chúng tôi nhớ những người đã khuất - cha của Michelle và ông ngoại tôi. Hôm ấy, tôi thấy mình là người đàn ông hạnh phúc nhất hành tinh".

Qua loạt ảnh đen trắng lẫn màu sắc, Obama hoài niệm các sự kiện tranh cử, lần làm diễn giả chính tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004, niềm hạnh phúc khi thắng với cách biệt lớn nhất tại một cuộc tranh cử Thượng viện trong lịch sử Illinois; lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2009... Cùng với đó là các chuyến công du, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, nhân vật nổi tiếng thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkei, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nữ hoàng Anh Elizabeth...

about-star
about-star