Dù không phải là ngành học quá mới nhưng Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước vẫn chưa được nhiều người biết đến và hiểu đúng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thế Vinh (cựu sinh viên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), hiện là Quyền Bí thư Thành Đoàn Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, những bạn có niềm đam mê, hứng thú với ngành này hoàn toàn có thể theo học.
"Không chỉ riêng Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước mà dù bạn chọn học bất cứ ngành nào thì trước hết cần có sự yêu thích với nó, cùng với đó là quá trình tự tích lũy, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành.
Đối với cơ sở đào tạo, cần có sự kết nối, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, giúp sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường. Tất nhiên, để có được công việc theo đúng nguyện vọng, đòi hỏi sự nỗ lực của cá nhân sinh viên, nhưng nếu có một nền tảng kiến thức vững chắc, được rèn luyện kỹ năng mềm thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn", Tiến sĩ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
Tiến sĩ Vinh đánh giá, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam luôn xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với xu thế xã hội. Tuy nhiên, theo anh, ngoài những kiến thức được thầy cô truyền tải, sinh viên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, sự chủ động tìm tòi, bồi dưỡng tri thức, cũng như trang bị các kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp, làm việc, đồng thời rèn luyện tư duy cùng khả năng thích ứng nhanh để sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động nhiều cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao như hiện nay.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao
Để có thêm thông tin toàn cảnh về ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Ngọc cho biết, Khoa Chính trị học trực tiếp giảng dạy các môn khoa học cơ bản lý luận chính trị cho toàn Học viện với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm.
"Khoa Chính trị học là khoa đa ngành, phụ trách đào tạo Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; Quản lý Nhà nước, các học phần lý luận cho toàn Học viện và chương trình Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính với tổng số 52 học phần. Tập thể Khoa 2 lần vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2006 và năm 2011). Nhiều cán bộ của Học viện, của Trung ương Đoàn đã trưởng thành từ Khoa Chính trị học. Trong quá trình phát triển, Khoa Chính trị học đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tích chung của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Khoa Chính trị học đào tạo ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước hệ đại học và sau đại học. Hiện nay, số lượng sinh viên đang theo học tại Học viện là 176 sinh viên, hệ sau đại học là 180 học viên, số lượng học viên cao học cũng tăng dần hàng năm. Khoa Chính trị học đang từng bước hoàn thiện hồ sơ mở đào tạo tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong 5 năm tới Khoa tiếp tục phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên để đáp ứng chương trình đào tạo", Tiến sĩ Trần Thị Thúy Ngọc chia sẻ.
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, cô Ngọc cho hay, năm 2011, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trở thành cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước là một trong ba ngành đào tạo đầu tiên của Học viện.
Cô Thúy Ngọc chia sẻ: "Những năm đầu mới đào tạo, số lượng sinh viên tuyển sinh nhập học ngành này rất lớn (đặc biệt là từ các khóa 1 đến khóa 5). Trong những năm qua, ngoài hệ cử nhân, Học viện còn đầu tư, chú trọng đào tạo hệ sau đại học ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước.
Tuy nhiên, khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước là sự cạnh tranh lớn của nhiều cơ sở cùng đào tạo ngành này".
Về điều kiện cơ sở vật chất, theo cô Thúy Ngọc, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đảm bảo đủ các phòng học lý thuyết, thực hành đáp ứng mục tiêu các học phần. Học viện cũng ký biên bản hợp tác với các cơ quan, đơn vị để gửi sinh viên đến thực hành, các cơ sở thực tập cộng đồng đáp ứng mục tiêu đào tạo.
Về đội ngũ giảng viên của ngành, Học viện đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ngày càng cao với 22 giảng viên, trong đó 13 tiến sĩ, 03 nghiên cứu sinh, 06 thạc sĩ để tổ chức giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.
Chương trình đào tạo ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có gì đặc biệt?
Theo thông tin từ website Học viện, chương trình đào tạo cử nhân ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước nhằm đào tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác Đảng, chính quyền nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, có hiểu biết chuyên sâu về đường lối, chủ trương, phương hướng và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các cơ quan trong bộ máy nhà nước Việt Nam; có kiến thức, tư duy nền tảng về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước Việt Nam; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có khả năng phát triển lên trình độ cao hơn về lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp. Bên cạnh đó có nhãn quan chính trị nhạy bén, năng lực nghiên cứu nắm bắt, phân tích, đánh giá và chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước các cấp; phát triển tư duy kỹ năng lãnh đạo, quản lý hướng hướng tới trở thành những nhà lãnh đạo chính trị trẻ; có năng lực đoàn kết quy tụ, phát huy sức mạnh tập thể.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Ngọc nêu ra một số điểm khác biệt của chương trình đào tạo ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đặc biệt phần kiến thức cơ sở ngành có sự khác biệt tương đối so với các đơn vị đào tạo khác.
Bên cạnh đó, xu hướng một số học phần đại cương được giảm tải. Theo cô Ngọc, ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, phù hợp với mục tiêu đào tạo, sứ mệnh của Học viện là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội – Đội năng động, nhiệt huyết.
Ngành học này có nhiều học phần đặc thù, là điểm nhấn mang màu sắc Học viện như học phần Kỹ năng tổ chức các hoạt động thanh thiếu niên, Lý luận và phương pháp công tác thanh thiếu niên, Tư pháp cho người chưa thành niên…
Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được xây dựng trên cơ sở mang tính ứng dụng cao, với nhiều môn học thực tiễn. Ngoài ra, Học viện xây dựng 3 đợt thực tập cho sinh viên, các em thực tập từ năm thứ hai đến thực tập tốt nghiệp.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Ngọc cho rằng, vị trí việc làm của ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước rất đa dạng. Theo đó, sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm cán bộ, công chức công chức trong các cơ quan tham mưu của Đảng Cộng sản Việt Nam ở các cấp: Ban tổ chức, Ban tuyên giáo, Ủy ban kiểm tra, Ban dân vận, Văn phòng cấp ủy. Hoặc là viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp: các Học viện trực thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các Học viện, trường đại học, trường bồi dưỡng cán bộ trực thuộc các Bộ, Ban, ngành; các trường chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Tốt nghiệp ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, người học cũng có thể trở thành công chức, chuyên viên trong các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp: Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Phòng nội vụ - Lao động, thương binh và xã hội; phòng giáo dục và đào tạo; phòng văn hóa, thông tin và thể dục thể thao; tư pháp, hộ tịch. Hay cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội phụ nữ từ Trung ương tới cơ sở.
Theo cô Ngọc, người học ngành này cũng có thể trở thành cán bộ, công chức, chuyên viên làm công tác tổ chức, cán bộ, hành chính, văn phòng, làm công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Hoặc cán bộ, công chức, chuyên viên làm công tác nghiên cứu về xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước trong các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trực thuộc các Bộ, Ban, ngành.
Ngoài ra, tốt nghiệp ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước cũng có thể làm nhân viên làm công tác Đảng, công tác nhân sự trong các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế.
Cùng trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, nguyên Trưởng khoa Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, để hỗ trợ quá trình đào tạo, Khoa thành lập Câu lạc bộ Lãnh đạo trẻ để sinh viên ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước và Câu lạc bộ Hành trang công chức thông qua hoạt động của Liên chi đoàn, được trải nghiệm, làm quen với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Cô Thủy chia sẻ thêm, mô hình thực hành nghề nghiệp tổ chức dưới dạng đóng vai theo kịch bản được triển khai trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Học viện theo định hướng đào tạo đại học định hướng thực hành. Mô hình này được triển khai từ năm 2018, định kỳ được lãnh đạo Khoa, Liên chi đoàn khoa, Bộ môn Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Câu lạc bộ lãnh đạo trẻ VYA phối hợp chỉ đạo thực hiện.
"Qua nhiều năm các mô hình thực hành nghề nghiệp đã rèn luyện cho sinh viên khả năng chủ động trong lập kế hoạch, tổ chức, lãnh chỉ đạo theo tình huống giả định. Qua đó góp phần hình thành năng lực thích ứng, chủ động, sáng tạo, tự tin trong xử lý công việc", Tiến sĩ Thanh Thủy nhấn mạnh.
theo https://giaoduc.net.vn/
- Học ngành Công tác xã hội, sinh viên có cơ hội việc làm ngay từ năm hai
- Chi tiết điểm chuẩn năm 2024 Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cao nhất 27,5
- Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức nhập học cho tân sinh viên khóa 13
- Thông báo nhập học online đối với thí sinh ở vùng bị ảnh hưởng do bão lũ
- Bộ Giáo dục và Đào tạo gia hạn thời gian xác nhận nhập học trực tuyến
- Hướng dẫn nộp lệ phí xét tuyển đại học năm 2024
- Từ ngày 1/7, thí sinh tự do đăng ký cấp tài khoản trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT
- Hội nghị lần thứ 11 của hội đồng học viện nhiệm kỳ 2021-2026
- Hào hứng với giờ học thực tế của sinh viên ngành Quan hệ công chúng – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
- Học Ngành Công tác Thanh thiếu niên cơ hội việc làm, thăng tiến ra sao?
- Nữ sinh nghèo hiếu học được đặc cách vào trường công an
- Thứ trưởng Bộ GDĐT nhắn nhủ hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023
- Số lượng thí sinh thi đại học năm 2023
- Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?
- Bộ GD&ĐT công bố những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất
- Sinh viên cần chuẩn bị những gì cho môi trường Đại học
- Học đại học cần chuẩn bị những gì?
- Sinh viên năm nhất lên đại học cần chuẩn bị gì cho đầy đủ?
- Bằng cấp không quan trọng nhưng vì sao vẫn phải học đại học?
- Đại học không “học đại”
- Có cần học đại học không?
- 6 lí do bạn nên học đại học
- Tranh cãi nên đi du học hay học đại học ở trong nước?
- LƯU Ý THÍ SINH SAU KHI BIẾT ĐIỂM CHUẨN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2023
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023