Hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đào tạo ngành Công tác Thanh thiếu niên.
Công tác Thanh thiếu niên là ngành học đào tạo cán bộ làm công tác thanh thiếu niên nắm vững hệ thống kiến thức và kỹ năng công tác thanh thiếu niên; có khả năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với các cấp uỷ Đảng và chính quyền về các chính sách liên quan đến thanh thiếu niên.
Ngành học khiến "thanh xuân rực rỡ" hơn
Nguyễn Mai Anh - cựu sinh viên ngành Công tác Thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, hiện là Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Hà Nội cho hay, chị từng từ bỏ những định hướng khác để quyết tâm theo đuổi ngành học này.
"Trong 4 năm đại học, sinh viên được trang bị nhiều về nghiệp vụ công tác đoàn, các kỹ năng cần có của cán bộ Đoàn - Hội - Đội. Có thể nói, sau khi ra trường, tôi như "lột xác", trở thành một người năng nổ, hoạt ngôn, có thể tổ chức các hoạt động chuyên môn liên quan đến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên", Mai Anh cho biết.
Nguyễn Mai Anh - cựu sinh viên ngành Công tác thanh thiếu niên. Ảnh: NVCC.
Đánh giá về mức độ áp dụng các kiến thức được đào tạo vào công việc thực tế, Mai Anh cho hay: "Việc ứng dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn cần có sự trau dồi, bổ sung, cập nhật, quan trọng là tiếp thu và khéo léo ứng dụng để giải quyết công việc. Đối với bản thân tôi, những kiến thức học tập tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được áp dụng khá nhiều, chẳng hạn như cách tham mưu văn bản, tổ chức hoạt động, thiết kế giấy mời... Nói chung, khi đã có những kiến thức nền tảng thì chúng ta sẽ dễ dàng làm quen, chủ động trong các công việc về hoạt động đoàn và phong trào thanh thiếu niên".
Với cô gái này, theo học ngành Công tác Thanh thiếu niên làm cho thanh xuân trở nên rực rỡ hơn, bởi nó mang đến những trải nghiệm được sống hết mình với tuổi trẻ và cống hiến sức trẻ cho hoạt động cộng đồng. Cũng theo Mai Anh, người học ngành Công tác Thanh thiếu niên cần có sự chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, hoàn thiện mỗi ngày để có thể đáp ứng được yêu cầu cao của công việc và có nhiều dấu ấn với lĩnh vực đã lựa chọn.
Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Âu Minh Duy (sinh viên năm 4, ngành Công tác Thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chia sẻ, bản thân có thêm nhiều cơ hội trau dồi các kỹ năng mềm khi theo đuổi ngành học có phần đặc thù này.
Theo học ngành Công tác Thanh thiếu niên mang đến cho Minh Duy những trải nghiệm ấn tượng. Ảnh: NVCC.
"Trước khi vào đại học và theo ngành Công tác Thanh thiếu niên, bản thân em còn chưa tự tin nhiều trong giao tiếp, hùng biện, tranh biện... Quãng thời gian đại học cho em nhiều cơ hội được thực hành, làm quen với các công việc chuyên ngành. Em biết cách để xây dựng, tổ chức các hoạt động và quan trọng hơn hết là dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình để trưởng thành hơn. Có những môn học, lĩnh vực em chưa bao giờ trải nghiệm trước đó, chẳng hạn như môn vũ quốc tế, múa đại cương hay nghiệp vụ công tác thiếu nhi... Sau khi đã được học tập bài bản, vượt qua các môn đó, em ngẫm ra rằng sẽ không có gì khó khăn nếu như bản thân có đủ quyết tâm.
Ở thời điểm em chọn ngành nghề thì Công tác Thanh thiếu niên là ngành học khá mới mẻ trong suy nghĩ của em. Em đã phải thuyết phục bố mẹ bằng sự nhiệt huyết và nghiêm túc vì gia đình em chưa có ai theo lĩnh vực này. Cho đến bây giờ, em chưa bao giờ hối hận về quyết định đó cả. Em nhận thấy cơ hội việc làm của ngành học này khá rộng mở, không gò bó trong một vị trí nào mà có thể đảm nhận những công việc khác nhau, miễn sao có đủ chuyên môn và kỹ năng", Minh Duy bộc bạch.
Theo tìm hiểu, hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đào tạo ngành Công tác Thanh thiếu niên.
Để có thêm những thông tin toàn cảnh hơn về ngành học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Chia sẻ về vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng nhấn mạnh, Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã khẳng định: "Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội".
Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: Website Học viện.
Thông tin từ website Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, mỗi năm Học viện có khoảng 150 cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Công tác Thanh thiếu niên cung cấp nguồn cán bộ làm công tác Đoàn, Hội, Đội cho 63 tỉnh thành của cả nước.
Sinh viên có nhiều cơ hội được rèn nghề
Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng chia sẻ những thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo ngành học này: "Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là cơ sở duy nhất tuyển sinh, đào tạo ngành Công tác thanh thiếu niên nên không bị cạnh tranh bởi các cơ sở đào tạo đại học khác, việc thu hút các thí sinh có nhu cầu đào tạo trở thành những cán bộ hoạt động chính trị xã hội và làm việc với những người trẻ có phần thuận lợi.
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo cán bộ làm công tác thanh niên, cán bộ hoạt động chính trị xã hội. Mặc khác, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị xã hội có hệ thống tổ chức chặt chẽ nên trong quá trình đào tạo, Học viện có hệ thống thực hành thực tập là hệ thống tổ chức Đoàn các cấp. Trong quá trình học tập tại Học viện, các em có nhiều cơ hội được tham gia và chứng kiến những hoạt động, sự kiện lớn do Trung ương Đoàn tổ chức để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế. Hơn thế nữa, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ của Ban Bí thư và lãnh đạo các Ban, đơn vị của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, công tác tuyển dụng giảng viên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có mặt thuận lợi là rất nhiều cán bộ Đoàn được đào tạo bài bản, tâm huyết sau thời gian trưởng thành mong muốn trở thành giảng viên của Học viện. Đây là những giảng viên vừa có kiến thức lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sẽ giúp cho công tác đào tạo của Học viện gắn kết hơn giữa lý thuyết và thực hành".
Dù có nhiều thuận lợi khi là đơn vị duy nhất đào tạo ngành Công tác Thanh thiếu niên, tuy nhiên, theo thầy Đăng, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn.
Thứ nhất, ngành Công tác Thanh thiếu niên là một ngành đào tạo mới ở Việt Nam, có nét đặc thù nên xã hội, học sinh, phụ huynh chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về ngành học. Do đó, công tác tuyển sinh cũng gặp phải những khó khăn nhất định.
Thứ hai, hệ thống chương trình giáo trình chung có thể kế thừa của các ngành đào tạo đã có, nhưng Công tác Thanh thiếu niên là ngành đào tạo mới nên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phải tự đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để xây dựng chương trình, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo chuyên ngành.
Về chương trình đào tạo, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên cho biết, trong 4 năm học sinh viên sẽ được học kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức cơ sở ngành giống như một số ngành đào tạo khác, khối kiến thức ngành về công tác thanh thiếu nhi, thực hành, thực tập nghề nghiệp.
Thầy Đăng khẳng định, chương trình đào tạo ngành Công tác Thanh thiếu niên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được xây dựng theo hướng ứng dụng. Do đó, sinh viên sẽ được thực hành ngay trong quá trình học tập từng môn học và có các đợt thực tế ở cở sở. Các em có thể được rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch, làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức các hoạt động hoặc sự kiện, kỹ năng truyền thông, lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, sinh viên cũng có cơ hội thực hành, bồi dưỡng các nghiệp vụ công tác Đoàn và nghiệp vụ công tác Hội, Đội…
"Những năm gần đây chỉ tiêu ngành Công tác Thanh thiếu niên ổn định khoảng 150 sinh viên, điểm chuẩn từ 15-17 điểm. Điều kiện cơ sở vật chất của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trong năm vừa qua đã có sự đổi mới đáng kể, số lượng phòng học tăng, các phòng học đều được trang bị hệ thống máy chiếu, âm thanh, internet, có phòng học kỹ năng dành cho sinh viên ngành Công tác tác Thanh thiếu niên cũng như sinh viên các ngành khác.
Đội ngũ giảng viên trẻ không ngừng học tập nâng cao trình độ, nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm. Hiện nay Khoa Công tác Thanh thiếu niên có 20 giảng viên cơ hữu, 06 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 13 giảng viên có trình độ thạc sĩ, 05 giảng viên đang học nghiên cứu sinh", Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên thông tin.
Thầy Đăng cũng đánh giá cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công tác Thanh thiếu niên rất đa dạng. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng cán bộ làm công tác thanh thiếu nhi trong hệ thống tổ chức của Đoàn các cấp là khá lớn do cán bộ đoàn sau một thời gian công tác và trưởng thành sẽ luân chuyển sang công tác ở các cơ quan khác.
"Sinh viên ra trường có thể công tác ở các cơ quan của Đảng, nhà nước các cấp; công tác tại các trường học, làm công tác văn phòng trong các cơ quan, doanh nghiệp; làm trong các công ty tổ chức sự kiện, du lịch…
Khả năng thăng tiến phụ thuộc vào sự nỗ lực học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân trong quá trình học tập và quá trình công tác thực tiễn. Nếu hoạt động trong lĩnh vực công tác thanh thiếu niên thì đó là môi trường rất thuận lợi để mỗi cá nhân được cống hiến, rèn luyện và trưởng thành", thầy Đăng nêu quan điểm.
Trong quan điểm của thầy Đăng, làm công tác thanh niên thực chất là hoạt động chính trị xã hội gắn với những người trẻ nên đòi hỏi sinh viên ngành này cần có sự trẻ trung, năng động, sáng tạo, cởi mở, nhiệt tình, tâm huyết yêu nghề, sẵn sàng chấp nhận gian khó.
Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng kiến nghị thêm, trong công tác tuyển dụng cán bộ làm công tác thanh thiếu niên ở các cấp cần thể hiện rõ người học đúng chuyên ngành công tác thanh thiếu niên phải được ưu tiên.
Theo: Phạm Thi - Tạp chí Giáo dục VN
- Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống, khai giảng năm học mới và đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
- Sinh viên học ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước ra trường làm công việc gì?
- Học ngành Công tác xã hội, sinh viên có cơ hội việc làm ngay từ năm hai
- Chi tiết điểm chuẩn năm 2024 Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cao nhất 27,5
- Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức nhập học cho tân sinh viên khóa 13
- Thông báo nhập học online đối với thí sinh ở vùng bị ảnh hưởng do bão lũ
- Bộ Giáo dục và Đào tạo gia hạn thời gian xác nhận nhập học trực tuyến
- Hướng dẫn nộp lệ phí xét tuyển đại học năm 2024
- Từ ngày 1/7, thí sinh tự do đăng ký cấp tài khoản trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT
- Hội nghị lần thứ 11 của hội đồng học viện nhiệm kỳ 2021-2026
- Hào hứng với giờ học thực tế của sinh viên ngành Quan hệ công chúng – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
- Nữ sinh nghèo hiếu học được đặc cách vào trường công an
- Thứ trưởng Bộ GDĐT nhắn nhủ hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023
- Số lượng thí sinh thi đại học năm 2023
- Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?
- Bộ GD&ĐT công bố những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất
- Sinh viên cần chuẩn bị những gì cho môi trường Đại học
- Học đại học cần chuẩn bị những gì?
- Sinh viên năm nhất lên đại học cần chuẩn bị gì cho đầy đủ?
- Bằng cấp không quan trọng nhưng vì sao vẫn phải học đại học?
- Đại học không “học đại”
- Có cần học đại học không?
- 6 lí do bạn nên học đại học
- Tranh cãi nên đi du học hay học đại học ở trong nước?
- LƯU Ý THÍ SINH SAU KHI BIẾT ĐIỂM CHUẨN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2023