Nhiều thí sinh vẫn có tâm lý chỉ chọn trường danh tiếng, đăng ký trường bình thường để phòng hờ nhưng khi trúng tuyển vẫn không học.
Trong kỳ thi THPT năm ngoái, L.T.G. (19 tuổi) đạt 26 điểm khối A00, không trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành Kế toán của ĐH Kinh tế Quốc dân và nguyện vọng 2 Học viện Tài chính. Mặc dù chỉ đăng ký để phòng hờ, G. đã trúng tuyển nguyện vọng 3, ngành Kế toán của ĐH Công đoàn.
Tuy nhiên, sau khi biết kết quả, L.T.G. quyết định không nhập học ĐH Công đoàn mà dành thời gian một năm để ôn thi lại vào năm nay.
Năm ngoái, Việt An (2003) cũng không trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, và ngành Kế toán, Học viện tài chính. Khác với T.G., dù buồn, An quyết định học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Học viện Chính sách và phát triển.
Bắt buộc vào trường top?
Quan niệm phải vào trường hàng đầu vẫn tồn tại ở nhiều bậc phụ huynh. “Học ngành gì cũng được nhưng phải học trường top con nhé”; “Học trường top mới là giỏi”; “Nếu không phải trường top, sang năm thi lại cũng được”… Đây là 3 trong số những câu mà Thúy Hạnh (18 tuổi) nghe được thời gian này. Những câu nói ấy đã vô tình tạo thành áp lực cho Hạnh trước ngưỡng cửa đại học.
Trao đổi với Zing, Chu Phương Thảo - thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội năm 2020 - cho rằng quan điểm “phải vào trường top, học ngành gì không quan trọng” mang tính chủ quan.
Theo chị Thảo, học vì danh tiếng chứ không vì chuyên môn là cách thu nạp kiến thức mông lung, sáo rỗng. Đồng thời, việc theo học trường, ngành mình không đam mê sẽ dẫn đến hệ lụy như chán học, bỏ học hay thậm chí, mất định hướng tương lai.
"Giả sử, sinh viên cố đi học chỉ vì lớp vỏ hào quang trường top 1 nhưng không tiếp thu được bất cứ giá trị chuyên môn nào, liệu với tấm bằng đại học ấy và cái đầu không có chút kiến thức gì, sinh viên sẽ ra sao trong tương lai?", Thảo băn khoăn.
Danh tiếng không định nghĩa năng lực
Chia sẻ về việc không vào học ĐH Công đoàn dù trúng tuyển, L.T.G. cho biết em quyết định thi lại một phần là do muốn học tại ĐH Kinh tế Quốc dân bởi đây là môi trường nhiều tiềm năng, danh tiếng tốt. Ngoài ra, nếu học trường này, tốt nghiệp, em có lợi thế khi xin việc nhờ danh tiếng của trường.
Nhận xét về quan điểm này, Phương Thảo cho rằng danh tiếng của trường thể hiện thông qua năng lực đào tạo, chất lượng sinh viên đầu vào - đầu ra tốt, cách làm thương hiệu của trường và ngành đào tạo mà trường đó xây dựng.
Phần lớn người học thích lựa chọn trường danh tiếng. Trúng tuyển vào trường đó, họ cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện, tự hào. Tuy nhiên, trong quá trình học tập và rèn luyện, không phải ai cũng đủ khả năng để đạt tới mục tiêu “đỗ đại học top đầu”.
Phương Thảo cũng cho biết trong kỳ thi đại học năm 2016, bản thân từng đắn đo lựa chọn ĐH Hà Nội hay ĐH Văn hóa Hà Nội khi trúng tuyển cả 2 trường.
Nhưng cuối cùng, Thảo vẫn quyết định theo học ĐH Văn hóa Hà Nội vì cảm thấy đó là môi trường phù hợp, phát huy và tôi luyện bản thân theo đúng những gì mình mong muốn.
“Dù không học trường top đầu, với định hướng của giảng viên, sự cố gắng của bản thân, mình vẫn tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc năm 2020, trở thành chuyên viên truyền thông nội bộ cho tập đoàn lớn tại Hà Nội”, Thảo chia sẻ.
Theo Thảo một số sinh viên học trường top đầu, trường chuyên nhưng không chịu học tập, rèn luyện bản thân. Như vậy, trường tốt đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Trúng tuyển đại học top đầu đương nhiên tốt. Nhưng nếu không đỗ, thí sinh cũng không nên coi đó là thất bại. Các em có thể lựa chọn ngôi trường khác, tập trung vào bản thân, xây dựng kế hoạch phát triển cho tương lai rõ ràng. Như thế, dù ở đâu, họ cũng thành công.
Chia sẻ về cách xác định con đường sau phổ thông, Thảo khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Theo nữ thủ khoa, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến chuyên môn của ứng viên, cách họ làm việc như thế nào.
"Đôi khi, tên trường chỉ là đánh giá cảm quan ban đầu khi làm. Khi làm việc thực tế, năng lực chuyên môn, sự hiểu biết chuyên sâu về ngành mới là điều quan trọng", Thảo nói thêm.
Sau khi tìm hiểu về các trường, Thúy Hạnh quyết định sẽ đăng ký học ngành Quan hệ công chúng, Học viện Thanh thiếu niên. Hạnh nhận thấy dù không phải trường top, đây sẽ là môi trường phù hợp với sức học của em hiện tại.
Qua tìm hiểu, em thấy hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của trường rất tốt, mức học phí phù hợp với điều kiện gia đình, hoạt động ngoại khóa của trường cũng rất thú vị.
Phấn đấu khi không học trường hàng đầu
Sau gần một năm học tại Học viện Chính sách và phát triển, Việt An cảm thấy mình lựa chọn đúng. Môi trường ở đây rất tốt, không thua kém gì các trường top 1, quan trọng nhất, môi trường này phù hợp với em.
An cho biết giảng viên luôn giảng dạy rất nhiệt tình, tâm huyết. Cơ sở vật chất tốt. Trường có nhiều hoạt động nghiên cứu, ngoại khóa để sinh viên rèn kỹ năng mềm. Đồng thời, chính sách học bổng ở trường rất ổn.
Cũng chọn vào trường không nằm trong top 1, để đạt được danh hiệu thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội năm 2020 và làm tốt công việc hiện tại, chị Phương Thảo đầu tư cho quá trình học tập, nghiên cứu chuyên ngành và được đánh giá cao. Đồng thời, chị nhiệt tình tham gia hoạt động trong, ngoài nhà trường.
Theo Thảo, đại học chỉ là bước đệm. Cách học ở đại học hoàn toàn khác với THPT. Sinh viên tự học, chủ động mở rộng kiến thức và nghiên cứu rất nhiều thay vì thầy cô giảng đâu, học sinh biết đó.
Theo Thảo, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên V.U.C.A với đầy sự biến động, bất ổn. Vì vậy, trạng thái chủ động thích ứng sẽ giúp sinh viên ứng phó với bất cứ hoàn cảnh nào một cách nhanh chóng nhất. Từ kinh nghiệm bản thân, Thảo gợi ý sinh viên liên tục học hỏi theo 3 cách - học từ nhà trường, tự học và chia sẻ.
Họ cũng phải chú trọng đến các kỹ năng mềm như tin học văn phòng, tiếng Anh, làm việc nhóm, thuyết trình. Chị cho rằng đại học là quãng thời gian người trẻ dễ thu xếp để tham gia các hoạt động đoàn - hội, các lớp kỹ năng mềm. Vì vậy, sinh viên nên tranh thủ học ngay khi có thể.
“Muốn có cơ hội việc làm tốt, sinh viên phải rèn luyện kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm. Đây là 2 yếu tố không thể thiếu đối với bất cứ ứng viên nào khi đi xin việc”, Thảo nhấn mạnh.
- Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống, khai giảng năm học mới và đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học
- Sinh viên học ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước ra trường làm công việc gì?
- Học ngành Công tác xã hội, sinh viên có cơ hội việc làm ngay từ năm hai
- Chi tiết điểm chuẩn năm 2024 Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cao nhất 27,5
- Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức nhập học cho tân sinh viên khóa 13
- Thông báo nhập học online đối với thí sinh ở vùng bị ảnh hưởng do bão lũ
- Bộ Giáo dục và Đào tạo gia hạn thời gian xác nhận nhập học trực tuyến
- Hướng dẫn nộp lệ phí xét tuyển đại học năm 2024
- Từ ngày 1/7, thí sinh tự do đăng ký cấp tài khoản trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT
- Hội nghị lần thứ 11 của hội đồng học viện nhiệm kỳ 2021-2026
- Hào hứng với giờ học thực tế của sinh viên ngành Quan hệ công chúng – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
- Học Ngành Công tác Thanh thiếu niên cơ hội việc làm, thăng tiến ra sao?
- Nữ sinh nghèo hiếu học được đặc cách vào trường công an
- Thứ trưởng Bộ GDĐT nhắn nhủ hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023
- Số lượng thí sinh thi đại học năm 2023
- Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?
- Bộ GD&ĐT công bố những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất
- Sinh viên cần chuẩn bị những gì cho môi trường Đại học
- Học đại học cần chuẩn bị những gì?
- Sinh viên năm nhất lên đại học cần chuẩn bị gì cho đầy đủ?
- Bằng cấp không quan trọng nhưng vì sao vẫn phải học đại học?
- Đại học không “học đại”
- Có cần học đại học không?
- 6 lí do bạn nên học đại học
- Tranh cãi nên đi du học hay học đại học ở trong nước?