Quan tâm bồi dưỡng phẩm chất và kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên

Đó là khẳng định của TS Hoàng Minh Tuấn, Phó giám đốc Thường trực Học viện Thanh thiếu niên (HVTTN) Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học. Học viện xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Trung ương Đoàn tin tưởng giao phó.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, HVTTN Việt Nam định hướng đào tạo đại học chất lượng song song với bồi dưỡng phẩm chất và kỹ năng lãnh đạo... Định hướng này được Học viện cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

TS Hoàng Minh Tuấn: Quan điểm này được chúng tôi thể hiện trong sứ mệnh của Học viện: “Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn, cung cấp nguồn cán bộ có chất lượng cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hệ thống chính trị; đào tạo đại học, sau đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu, cung cấp các luận cứ về khoa học và thực tiễn cho Trung ương Đoàn quyết định các chủ trương về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”.

 TS Hoàng Minh Tuấn. 

Trong đó, nội dung công tác bồi dưỡng phẩm chất, kỹ năng lãnh đạo tập trung vào bồi dưỡng về môi trường chính trị và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về hội nhập kinh tế quốc tế; bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý-nội dung này tập trung vào kỹ năng phát ngôn, đấu tranh với dư luận và tiếp xúc báo chí; kỹ năng và phương pháp công tác của bí thư đoàn các cấp; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

PV: Học viện đã có bước đầu tư như thế nào cho việc cân đối giữa lý thuyết và thực hành, nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức thực tế cho sinh viên sau khi ra trường?

TS Hoàng Minh Tuấn: HVTTN Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, vì vậy trong chương trình đào tạo thể hiện rõ định hướng này. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phản ánh rõ kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp, thể hiện cụ thể tỷ trọng giữa lý thuyết và thực hành trong từng học phần...

Hình thức thực hành trong triển khai đào tạo của chúng tôi ở các ngành rất phong phú, nhiều mô hình cùng được triển khai, bao gồm: Thực hành trên lớp; thực hành thường xuyên; thực hành môn học, thực tập... Các hình thức thực hành khác nhau như vậy là cơ hội cho sinh viên vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tăng cường sự thích ứng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Học viện luôn chú trọng trang bị kỹ năng, kiến thức thực tế đối với sinh viên và đa dạng hóa các mô hình thực hành nên sinh viên có môi trường để vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, phát triển các kỹ năng xã hội... 

Lãnh đạo Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tuyên dương sinh viên có thành tích cao trong xét tuyển đầu vào khóa 12. 

PV: Giáo dục đại học tại Việt Nam nói chung và HVTTN Việt Nam nói riêng ngày càng đổi mới, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế. Ông có thể cho biết đôi nét về xu hướng này tại HVTTN Việt Nam?       

TS Hoàng Minh Tuấn: Hiện nay, Học viện đang triển khai hợp tác quốc tế trên những lĩnh vực cơ bản như: Liên kết đào tạo; trao đổi chương trình, tài liệu và phương thức đào tạo; trao đổi học thuật; tăng cường trao đổi giảng viên và sinh viên; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế... 

Hợp tác trong bồi dưỡng cán bộ, chúng tôi tập trung hỗ trợ chuyển giao chương trình, tài liệu và phương thức bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ, bồi dưỡng giảng viên; tổ chức các chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm... Còn trong hợp tác nghiên cứu khoa học, Học viện phối hợp hỗ trợ hoạt động nghiên cứu những đề tài nghiên cứu khoa học do Học viện và các đối tác thực hiện; phối hợp tổ chức nhiều hội thảo quốc tế...

Những năm qua, Học viện đã bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ cho Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào và Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đối ngoại của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cán bộ đoàn, hội của bạn sau khi được bồi dưỡng ở Việt Nam đã đảm đương tốt những yêu cầu công tác thanh niên và trưởng thành ở các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị của Lào, Campuchia.

PV: Được biết, Học viện đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch các ngành và chuyên ngành đến năm 2030 bảo đảm gắn với chiến lược phát triển Học viện. Đề nghị ông nói rõ hơn về quy hoạch này?

TS Hoàng Minh Tuấn: Theo quy chế cán bộ đoàn quy định về độ tuổi của cán bộ đoàn các cấp sẽ trưởng thành khi 35 đến 40 tuổi. Đây là giai đoạn chín muồi của cán bộ trẻ sau khi được rèn luyện ở vị trí thủ lĩnh thanh niên. Điều này đòi hỏi người cán bộ đoàn chuyên trách phải đáp ứng một công tác chuyên môn khác để nhận nhiệm vụ mới quan trọng hơn trong hệ thống chính trị, do đó, người cán bộ đoàn cần phải được trang bị thêm những chuyên môn khác như: Xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, luật, công tác xã hội, quan hệ công chúng... 

Định hướng của HVTTN Việt Nam vẫn theo mục đích đào tạo các ngành nghề truyền thống của Học viện đúng với chức năng và nhiệm vụ ban đầu. Ngoài ra, để phát triển hội nhập hơn trong những năm tới, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi mở hai ngành đào tạo trình độ tiến sĩ gồm: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Luật Hiến pháp và luật hành chính; mở 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ gồm: Quan hệ công chúng, Quản lý công, Tâm lý học; mở 10 ngành đào tạo trình độ đại học: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu ứng dụng, Truyền thông đa phương tiện, Ngôn ngữ Anh, Luật Kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Xã hội học và ngành Marketing.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo báo: https://www.qdnd.vn 

Lê Đức Minh (thực hiện)

about-star
about-star