Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa | Nguyễn Minh Châu

Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu đầy đủ, chi tiết nhất. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm kể về câu chuyện xoay quanh các nhân vật là anh nhiếp ảnh gia Phùng, bé Phác, người đàn bà hàng chài, người chồng vũ phu và Đẩu. Trong bài viết này xin gửi tới các bạn dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và bài văn mẫu phân tích “Chiếc thuyền ngoài xa” hay nhất được chọn lọc, mời các bạn tham khảo.

Dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết

1, Mở bài

– Khái quát tác giả-  nhà văn Nguyễn Minh Châu: là một trong số “những nhà văn mở đường tài ba và tinh anh nhất”. Ông không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của những người nghệ sĩ, luôn thiết tha đi tìm và khám phá những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.

– Giới thiệu khái quát tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa: truyện ngắn được in trong tập Bến quê, đem đến cho chúng ta cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống và con người.

2, Thân bài

2.1, Hai phát hiện đắt giá của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng

a) Phát hiện nghệ thuật: “cảnh đắt trời cho”

– Phùng là một người say mê nghệ thuật, say mê cái đẹp trong một thoáng nhìn anh đã phát hiện ra cảnh đẹp đắt giá trời cho để chớp lấy.

  • Đây là “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, một vẻ đẹp huyền mỹ và toàn bích. Đây là cảnh tượng kì diệu tuyệt đẹp của thiên nhiên, cuộc sống khi chúng ta nhìn từ xa.
  • Người nghệ sĩ Phùng bối rối trước cái đẹp toàn bích ấy: “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, trước vẻ đẹp ấy anh nhận ra rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi bắt gặp được cái đẹp, qua đó mà anh nhận ra vai trò thực sự của nghệ thuật.

b) Phát hiện bức tranh cuộc sống đầy ngang trái, nghịch lí

– Từ chiếc thuyền với hình ảnh đẹp đẽ vừa rồi, Phùng đã nhìn thấy:

  • Một người đàn bà dáng dấp thô kệch xấu xí, mặt mũi đầy sự mệt mỏi và một lão chồng với thân hình cao lớn cùng tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ và đôi mắt độc dữ cùng bước ra từ con thuyền.
  • Lão chồng đã “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, lão “vừa đánh vừa nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”.
  • Trong khi ấy, người đàn bà vẫn nhịn nhục chỉ cam chịu, không kêu van cũng không chống trả hay chạy trốn.

– Thái độ của Phùng: vô cùng kinh ngạc, “kinh ngạc đến mức trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Lúc này, Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất thực sự của cái đẹp anh vừa bắt được mà anh coi là toàn bích ấy.

Nhận xét: đừng nhìn vẻ bên ngoài mà đánh giá bản chất bên trong một sự việc, đối tượng nào đó.

2.2, Câu chuyện của người đàn bà hàng chài khốn cùng ở tòa án huyện

– Khi chánh án Đẩu khuyên giải và đề nghị chị nên li hôn, thì chị ta lại lạy lục van xin “con lạy quý tòa …đừng bắt con bỏ nó”, chị ta nói:

  • Người đàn ông ấy bản chất vốn không phải kẻ vũ phu, độc ác mà anh ta cũng chỉ là nạn nhân của cuộc sống đói khổ. Người chồng vũ phu ấy chính là chỗ dựa của cả gia đình khi có biển động.
  • Một mình chị không thể nuôi nấng nổi trên dưới 10 đứa con, vả lại không phải lúc nào họ cũng như thế mà “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái vui vẻ, hòa thuận”.

– Qua câu chuyện về cuộc đời và thái độ của người đàn bà ấy, ta có thể nhận thấy người đàn bà hàng chài là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói cái khổ, cái ác và số phận đen đủi, hẩm hiu dồn đến chân tường. Nhưng ở chị ta lại có một tấm lòng vị tha, tình yêu thương tha thiết, sự hi sinh cao cả và là người từng trải, sâu sắc.

– Thái độ của chánh án Đẩu và nhiếp ảnh gia Phùng khi người đàn bà quyết tâm không bỏ chồng:

  • Ban đầu cả hai đều thấy rất giận dữ và bất bình trước sự cam chịu cứng nhắc của người đàn bà.
  • Nhưng sau khi nghe tâm sự về cuộc đời của chị, họ như thấy có “một cái gì vừa mới vỡ ra”.

Nhận xét: Ban đầu, họ chỉ quen nhìn đời bằng con mắt đơn giản, một chiều, khái quát (nghĩ đơn giản rằng những kẻ đi theo ngụy là những kẻ xấu xa “lão ta hồi 75 có đi lính ngụy không?”), chỉ biết qua lí thuyết sách vở mà không đối mặt với nghịch lí cuộc đời.

Bài học rút ra: trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật ta phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều, không nên nhìn hiện tượng, vẻ bề ngoài mà đánh giá bản chất thật sự bên trong.

2.3, Tấm ảnh được chọn và những trăn trở

– Nghệ sĩ Phùng vẫn mang tấm ảnh mà anh chụp đó về tòa soạn, quả nhiên tấm ảnh được đánh giá cao và được chọn in trên tờ lịch, nó được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật.

– Mỗi khi Phùng nhìn tấm ảnh, anh vẫn luôn nhận thấy trong bức ảnh của mình:

  • cái màu hồng hồng của sương mai” (là biểu tượng cho nghệ thuật) và người đàn bà cùng khổ bước ra từ bức tranh (là hiện thân cho đời thực).

– Nhận xét: nghệ thuật chân chính là không bao giờ tách rời khỏi cuộc sống và người nghệ sĩ chân chính là người biết đem hiện thực vào nghệ thuật.

3, Kết bài

– Nêu cảm nhận riêng của bản thân về tác phẩm.

– Nhân xét giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện vô cùng đặc sắc, cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn. Khắc họa nhân vật sắc sảo, rõ nét,  điểm nhìn trần thuật linh hoạt…

– Tác phẩm đã đem đến cho người đọc những bài học về cách nhìn cuộc sống và con người: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để thấy được bản chất thật sự đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của hiện tượng.

about-star
about-star